Việc tôm thẻ chân trắng ăn yếu, bỏ ăn luôn là nỗi lo thường trực của người nuôi tôm. Khi tôm không ăn, chúng sẽ chậm lớn, dễ nhiễm bệnh và tỷ lệ sống sót giảm đáng kể, gây ra thiệt hại kinh tế lớn. Để giúp bà con nông dân khắc phục tình trạng này, bài viết sẽ đi sâu phân tích các nguyên nhân tôm thẻ chân trắng ăn yếu và đưa ra những giải pháp xử lý hiệu quả.
Nguyên nhân khiến Tôm thẻ chân trắng ăn yếu, bỏ ăn và chậm lớn
Do yếu tố môi trường tác động
Tôm là loài có khả năng cảm nhận môi trường rất nhạy bén. Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong môi trường sống của chúng có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hấp thụ và tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng tôm bỏ ăn. Một số yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm: nhiệt độ biến đổi đột ngột, nồng độ oxy hòa tan giảm mạnh, hay sự xuất hiện của khí độc trong ao.
Về vấn đề nhiệt độ, tôm là loài động vật biến nhiệt, nghĩa là chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của nhiệt độ môi trường. Tôm thẻ chân trắng tiêu thụ thức ăn và phát triển tối ưu nhất khi nhiệt độ nằm trong khoảng từ 25°C – 30°C (với tôm sú, khoảng nhiệt độ thích hợp là từ 28°C – 30°C). Khi nhiệt độ nước giảm xuống dưới 25°C, lượng thức ăn mà tôm hấp thụ có thể giảm từ 30 – 40%. Đặc biệt, khi nhiệt độ hạ xuống dưới 20°C, tôm gần như ngừng ăn và dễ rơi vào tình trạng “rớt đáy”. Hiện tượng này thường xảy ra khi bà con nuôi tôm vào vụ đông ở các khu vực miền Trung, miền Bắc hoặc sau những đợt mưa kéo dài làm nhiệt độ nước trong ao giảm đột ngột.
Do hàm lượng Oxy hòa tan
Khi mức DO trong ao đạt ≥ 5mg/l, tôm hô hấp tốt và tiêu thụ thức ăn mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi DO giảm xuống dưới 2mg/l, tôm có thể bị suy yếu, dẫn đến giảm sức ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Nguyên nhân của việc DO giảm thấp có thể bao gồm:
- Hệ thống quạt nước hoặc máy sục khí không vận hành ổn định.
- Thời tiết u ám hoặc mưa lớn, làm tảo không thể quang hợp để tạo oxy hòa tan.
- Sự xuất hiện của nhiều chất lơ lửng trong ao, bám vào mang tôm và gây cản trở hô hấp.
>>> Đọc tiếp: Tìm hiểu quy trình ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng
Do ảnh hưởng của khí độc
H2S, NH3 và NO2 là các loại khí độc sinh ra do sự tích tụ của chất thải trong ao không được xử lý kịp thời (như thức ăn thừa, phân tôm, vỏ tôm,…). Những khí độc này là mối nguy hiểm hàng đầu với người nuôi tôm, khi nồng độ càng tăng, tôm bỏ ăn càng nhiều và nhanh chóng rớt đáy.
- Khí độc H2S: Khi đứng ở cuối ao theo chiều gió, sẽ ngửi thấy mùi trứng thối, dấu hiệu cho thấy khí H2S đang xuất hiện. Vào buổi sáng, khí này làm tôm bỏ ăn do pH thấp, làm tăng độc tính của nó. Nếu H2S ở mức cao, mang tôm sẽ bị tím tái, dẫn đến hiện tượng rớt đáy.
- Khí độc NH3, NO2: Các loại khí này khiến tôm bỏ ăn vào buổi chiều, khi pH trong ao tăng cao. NO2 tăng cao vào thời điểm này sẽ gây ngộ độc cho tôm, làm tôm mất khả năng thải độc, gây rối loạn áp suất thẩm thấu trong cơ thể và dẫn đến hiện tượng tôm rớt đáy.
Do nguồn thức ăn kém chất lượng
Ngoài yếu tố môi trường, chất lượng thức ăn cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tôm ăn và tốc độ phát triển của chúng. Nếu người nuôi vô tình chọn phải thức ăn kém chất lượng, hoặc bảo quản thức ăn không đúng cách khiến thức ăn bị ẩm mốc hay hết hạn sử dụng, tôm sẽ không hứng thú ăn, dẫn đến việc tôm ăn ít hoặc bỏ ăn.
Khi tôm bỏ ăn, khả năng săn mồi của chúng cũng giảm, làm tôm dễ mắc bệnh, chậm phát triển và khó đạt được kích cỡ lớn như mong muốn.
Do Tôm nhiễm bệnh
Nguyên nhân khiến tôm thẻ chân trắng ăn yếu, bỏ ăn có thể xuất phát từ việc nhiễm các loại bệnh do virus và vi khuẩn gây ra. Các bệnh phổ biến như phân trắng, bệnh đường ruột, hay virus HPV, MBV ký sinh tại gan tụy đều có thể khiến tôm bị suy dinh dưỡng, ăn yếu, thậm chí có thể chết khi bệnh tiến triển nặng.
>>> Xem thêm: Lựa chọn mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu
Thời gian biểu cho Tôm ăn không khoa học
Việc cho tôm ăn đúng cách ở từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng. Nếu lượng thức ăn không được phân phối đều, quá ít hoặc quá nhiều, sẽ dẫn đến tình trạng tôm phát triển không đồng đều, còi cọc, đồng thời làm tăng lượng chất thải dư thừa trong ao (nguồn gốc của khí độc và chất lơ lửng) – nguyên nhân gây ra tình trạng tôm bỏ ăn, chậm phát triển và dễ bị nhiễm bệnh.
Cách xử lý khi Tôm thẻ chân trắng ăn yếu
Khi nuôi tôm, bà con cần thường xuyên kiểm tra xem tôm có giảm ăn hay không để xác định rõ nguyên nhân khiến tôm thẻ bỏ ăn, từ đó thực hiện các biện pháp phù hợp như sau:
Điều đầu tiên cần chú ý là thức ăn cho tôm. Bà con cần xác định xem thức ăn có chất lượng đủ tốt để thu hút tôm hay không. Nếu chất lượng thức ăn không đạt yêu cầu, bà con nên thay ngay và chọn những loại thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời có kích thước, màu sắc và hình dạng đồng đều, bề ngoài mịn màng, mùi thơm hấp dẫn và lâu tan trong nước, đặc biệt phải có khả năng kích thích tôm bắt mồi. Bên cạnh đó, việc sử dụng men tiêu hóa có lợi hàng ngày cũng sẽ giúp nâng cao sức đề kháng cho tôm, kích thích bắt mồi và ngăn ngừa bệnh do vi khuẩn Vibrio.
Hàm lượng oxy trong ao nuôi tôm là một yếu tố quan trọng cần được chú trọng. Để đạt được điều này, bà con nên tăng cường quạt nước và sục khí, đảm bảo rằng hàm lượng oxy hòa tan trong ao luôn lớn hơn 4 ppm, với mức tối ưu là trên 5 ppm.
Nếu sự thay đổi nhiệt độ nước là nguyên nhân, cần ngay lập tức giảm lượng thức ăn cho tôm khoảng 30% so với thông thường. Đặc biệt, bà con nên đợi cho đến khi mặt trời lặn để đảm bảo mức oxy hòa tan đạt yêu cầu rồi mới cho tôm ăn.
Sử dụng chế phẩm vi sinh là một trong những giải pháp hiệu quả để kích thích sức ăn của tôm. Các lợi khuẩn có trong chế phẩm sẽ cạnh tranh và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, giúp tôm giống khỏe mạnh ngay từ giai đoạn đầu, từ đó giảm thiểu rủi ro dịch bệnh trong tương lai.